Năm 2013, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn ngành Y tế đã nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, hoàn thành 18/18 chỉ tiêu Chính phủ giao. Liên hiệp quốc cũng có đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về Y tế, gồm giảm suy dinh dưỡng trẻ em, giảm vong trẻ em, giảm tử vong mẹ, phòng chống HIV/AIDS, sốt rét, các bệnh dịch lây khác, vệ sinh môi trường.
Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trong công tác xây dựng các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, các Quyết định, Đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, đạt 100% theo kế hoạch. Cụ thể như: Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án “Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020”; Đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”; Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020; Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020”....
Về xây dựng, ban hành các văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền cũng có nhiều tiến bộ và kịp thời như: Đã ban hành 12 Thông tư liên tịch, 23 Thông tư của Bộ Y tế và nhiều Quyết định theo thẩm quyền như: Khám, chữa bệnh; Dược và đấu thầu thuốc; Trang thiết bị và Công trình y tế; Phòng, chống HIV/AIDS; Sức khỏe bà mẹ, trẻ em; Khoa học công nghệ và Đào tạo; Y dược cổ truyền; Bảo hiểm y tế; Dân số - KHHGĐ; Đề án bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; Đề án bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân thuộc Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh, 45 đơn vị vệ tinh của các tỉnh, thành phố; phê duyệt đề án bác sỹ gia đình….
Trước những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc Bộ đã thành lập 43 đoàn thanh tra về phòng, chống tham nhũng, y tế dự phòng và an toàn thực phẩm, khám, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế....Thanh tra y tế của 63 tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai thanh tra về an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, dược mỹ phẩm, trang thiết bị y tế tại 703.762 cơ sở. Qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt với tổng số tiền là 30,8 tỷ đồng, đình chỉ 325 cơ sở về y tế và tước giấy phép có thời hạn 19 cơ sở hành nghề y, dược.
Về cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, một vấn đề được dư luận hoan nghênh đó là chấn chỉnh việc thực hiện Quy tắc ứng xử của ngành y tế và tổ chức các lớp tập huấn quy mô toàn quốc về đạo đức nghề nghiệp, ứng xử của cán bộ, viên chức y tế khi thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Bộ cũng đã Ban hành Quyết định 1313 về quy trình khám bệnh, qua đó đã cải tiến quy trình khám bệnh, tăng thêm số bàn khám, nhân lực, cải tiến quy trình thu viện phí và thanh toán BHYT, giảm từ 6 còn 4 chữ ký trong bản kê thanh toán chi phí KCB BHYT nên đã từng bước giảm bớt thời gian chờ đợi của người bệnh; giảm từ 12-14 bước trong quy trình khám bệnh xuống còn 4-7 bước, trung bình giảm được 40 phút một lượt khám bệnh. Đồng thời, Bộ cũng thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT- BNV-BYT ngày 25/4/2008 về triển khai việc kiện toàn tổ chức y tế địa phương theo hướng tập trung đầu mối tại tuyến huyện.
Về phản ánh các vấn đề bức xúc của dư luận trong công tác khám chữa bệnh gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhận xét hầu hết trong gần 500 ngàn cán bộ, nhân viên y tế đều có tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với người bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ y tế suy thoái về đạo đức, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân Bộ đã kịp thời chấn chỉnh, triển khai thực hiện Chỉ thị 03/CT-BYT ngày 01/4/2013 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp; Quy tắc ứng xử, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong các đơn vị trong ngành y tế. Triển khai và triển khai hiệu quả đường dây nóng, ban hành Chỉ thị số 09/CT-BYT về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...
Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, có 6 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp trong đó năm 2014 sẽ tập trung thực hiện Quy hoạch Phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng sắp xếp lại tổ chức, chức năng nhiệm vụ của hệ thống y tế. Tuyến TW chỉ bao gồm các bệnh viện lớn, chuyên khoa sâu có ý nghĩa quan trọng trong công tác KCB. Các cơ sở KCB sẽ không phụ thuộc vào địa giới hành chính mà được bố trí theo cụm dân cư, không phân tuyến chuyên môn theo tuyến tỉnh, huyện mà phân tuyến theo hạng bệnh viện, khuyến khích các bệnh viện nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường cơ sở hạ tầng, phát triển các kỹ thuật để được phân loại cao hơn, góp phần KCB cho nhân dân ngay trên địa bàn cụm dân cư.
Các cơ sở làm nhiệm vụ dự phòng ở tuyến tỉnh, các cơ sở y tế tuyến huyện sẽ được sắp xếp để thu gọn đầu mối, không dàn trải như hiện nay để có điều kiện tập trung đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Trong đó giải pháp về nhân lực y tế được chú trọng, nhất là quán triệt Nghị quyết của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8 (khóa XI) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, ban hành các chuẩn năng lực cơ bản cho các ngành, trình độ đào tạo. Xây dựng kế hoạch dài hạn về đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo nhân lực y tế; hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo nhân lực y tế cũng như kiểm chuẩn chất lượng đầu ra.
Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những khó khăn, tồn tại, yếu kém và hạn chế trong công tác y tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng ngành Y tế Việt Nam phát triển hội nhập, lãnh đạo Bộ Y tế đã phát động phong trào thi đua yêu nước hướng tới chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ gửi thư căn dặn cán bộ y tế trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2015 với chủ đề: “Làm theo lời Bác dạy, cán bộ y tế không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ y tế, tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ y tế năm 2014”
Nguyễn Thị Thanh Hương